Hôm nay tại phiên xử sơ thẩm bảo mẫu Hồ Ngọc Nhờ làm chết cháu bé 18 tháng tuổi, Phan Thanh Sơn (chồng bị cáo Nhờ) và con trai Ph.T.N cũng đã có mặt tại tòa.
Sau khi Hồ Ngọc Nhờ bị bắt giữ, Phan
Thanh Sơn đã phải đối mặt với nguy cơ bị truy tố vì chung sống với Nhờ
như vợ chồng khi cô chưa đủ 16 tuổi.
Anh Sơn cho biết: “Tôi gặp Nhờ tại
TP.HCM. Khi đó Nhờ nói đã 18 tuổi nên chúng tôi chung sống cùng nhau.
Hai năm sau, khi về quê vợ làm giấy kết hôn, tôi mới biết vợ mình sinh
năm 1995”.
Về sự sai lệch năm sinh này, Hồ Ngọc Nhờ
cũng đã khai trước tòa: “Do gia đình ở nông thôn, ít chữ, nên không làm
giấy khai sinh cho bị cáo. Khi gia đình thấy cần cho bị cáo đi học lớp
1, nên làm giấy khai sinh là sinh năm 1995. Thật ra bị cáo cũng không
biết mình sinh năm mấy mới là chính xác”. Thậm chí mẹ của Nhờ – bà Hồ
Ngọc Anh cũng không nhớ là sinh con năm mấy, và sau này ai đã đi làm
khai sinh giúp, năm đó là năm nào…
Phan Thanh Sơn trả lời thẩm vấn trước tòa sáng nay về vấn đề tuổi của Hồ Ngọc Nhờ.
Đồng thời Nhờ đã có đến 2 – 3 tên khác
nhau. Trong đó có tên Thúy Liên, sinh năm 1991. Nhờ cho biết lấy tên này
là để sớm được vào các xí nghiệp làm việc.
Về năm sinh của Nhờ, tòa căn cứ theo giấy khai sinh, sổ hộ khẩu và chứng minh thư, đồng ý với thông tin Nhờ sinh năm 1995.
Riêng công an quận Thủ Đức và TP.HCM dựa
vào kết quả giám định ADN và kiểm định hệ xương của Nhờ để xác định
tuổi. Anh Sơn cho biết: “Công an đã xác định Nhờ ở tầm tuổi 20 – 23 chứ
không phải tuổi 18 như giấy khai sinh, nên tôi không bị truy tố”.
Một mình nuôi con với mức lương 3,5 triệu đồng/ tháng, thêm chuyện buồn tù tội, cuộc sống anh Sơn đang rất bế tắc.
Trước đây, anh Sơn và gia đình chị Huyền
là hàng xóm, chung nhà trọ ở phường Linh Trung – Thủ Đức, hai phòng đối
diện, cách nhau chỉ 3m. Sau sai lầm của Nhờ dẫn đến cái chết của cháu
Nhất Long, ba mẹ cháu Long đã dọn đi nơi khác. Riêng anh Sơn vẫn ở lại
chỗ thuê đó. Hiện anh Sơn một mình nuôi con trai của mình và Nhờ là cháu
Ph.T.N (3 tuổi).
Anh Sơn cho biết về cuộc sống hiện tại
của mình và con trai: Ngày ngày anh đi làm công nhân ở xưởng gỗ với mức
lương 3,5 triệu đồng/tháng. Mỗi sáng anh cho con ăn xong thì gửi hàng
xóm. Trong xóm có một người phụ nữ bán vé số dạo, khi bán đến giờ ăn bà
sẽ vòng về cho cháu Ph.T.N ăn cơm, uống sữa. Thi thoảng anh cũng phải
nghỉ việc chạy về nhà vì không ai trông con.
Anh Sơn tâm sự với mọi người về cuộc sống hiện tại của mình.
Khi được hỏi: bạn bè ở chỗ làm có cảm
thông cho anh khi vợ anh mang tội giết người không, anh Sơn chia sẻ:
“Anh em rất tốt, rất cảm thông cho tôi, nhất là chỗ anh quản lí. Nhiều
khi tôi bận đi thăm vợ hoặc chăm con, anh em đều gánh vác giúp việc ở
xưởng”.
Về số tiền bồi thường 100 triệu đồng,
anh Sơn lo lắng: “Chúng tôi không dám chối bỏ trách nhiệm, nhưng quả
thực không biết phải làm sao. Anh em hai bên đều rất nghèo khó. Tôi đã
bàn với mẹ sẽ bán nhà dưới quê để có đủ tiền. Mà đất quê thì rẻ lắm
không như đất thành phố đâu…”.
Những tháng vừa qua, anh vẫn thường
xuyên đi thăm và động viên vợ. Hôm nay cháu Ph.T.N cũng đến tòa nhưng
không được vào vì mọi người sợ cháu khóc đòi mẹ sẽ gây náo loạn.
Trong khi phiên tòa đang diễn ra, cháu Ph.T.N vẫn vô tư chạy đùa bên ngoài.
Kết thúc phiên xử, mọi người bảo: mẹ đi rồi thì cháu Ph.T.N bắt đầu khóc.
Bà ngoại phải dỗ dành và bồng cháu Ph.T.N đi tìm ba.
Đăng nhận xét