Lễ ký kết chế tạo xuồng tuần tra cao tốc mới cho Cảnh sát biển Việt Nam. |
Việt Nam đóng xuồng tuần tra cao tốc và biên chế vào tháng 12 tới
Tờ "Nhật báo Trung Quốc" đã thể hiện mối
quan tâm đến các động thái trang bị tàu thuyền cho lực lượng thực thi
pháp luật mà Trung Quốc gọi là "chấp pháp" trên biển của Việt Nam, ngày 9
tháng 6 cho biết, Cảnh sát biển Việt Nam gần đây đã đặt đóng xuồng tuần
tra cao tốc. Xuồng tuần tra cao tốc mới dài hơn 13 m, lượng giãn nước
9,6 tấn, tốc độ cao nhất là 35 hải lý/giờ.
Theo bài báo, ngày 7 tháng 6, ở trụ sở
của Bộ tư lệnh Cảnh sát biển Việt Nam, Bộ tư lệnh Cảnh sát biển Việt Nam
cùng với Công ty TNHH công nghệ JAMES BOAT đã ký kết thỏa thuận đóng
mới xuồng tuần tra cao tốc.
Bộ tư lệnh Cảnh sát biển Việt Nam cho
biết, xuống tuần tra mới thực hiện các nhiệm vụ tuần tra, kiểm tra và
thực thi pháp luật ở khu vực ven biển. Loại xuồng này dài hơn 13 m, rộng
4,6 m, lượng giãn nước 9,6 tấn, tốc độ cao nhất là 35 hải lý/giờ.
Đây là một loại xuồng sử dụng động cơ
Nhật Bản, vỏ ngoài thân tàu sử dụng vật liệu công nghệ mới PPC do Đức và
Czech hợp tác sản xuất, độ bền kết cấu cao, có thể chịu được ăn mòn lớn
của môi trường biển.
Khoản tiền chế tạo xuồng lên tới 12 tỷ
đồng (khoảng 35,64 triệu nhân dân tệ), do tập đoàn VINASUN hỗ trợ. Dự
kiến, chiếc xuồng tuần tra này sẽ hoàn thành, bàn giao cho lực lượng
Cảnh sát biển Việt Nam vào tháng 12 năm 2014 để đưa vào khai thác, sử
dụng.
Một sản phẩm tàu cao tốc của JAMES BOAT - MS39 |
Ngoài ra, được biết, gần đây, Thủ tướng
Nguyễn Tấn Dũng cũng đã đến thị sát nhà máy đóng tàu Hạ Long, tham quan
tàu kiểm ngư KN 781. Điều này cũng đã được báo chí Trung Quốc tập trung
chú ý theo dõi, cho rằng, Việt Nam đang thể hiện tư thế "cứng rắn" trên
Biển Đông trước hành vi (xâm phạm nghiêm trọng chủ quyền của phía Trung
Quốc).
Báo Trung Quốc cho rằng, Việt Nam chế
tạo loại tàu kiểm ngư hiện đại nhất Đông Nam Á này cùng với việc cấp
tiền đóng tàu cá vỏ sắt là để đối phó với Trung Quốc.
Báo Trung Quốc nghi ngờ khả năng Nhật Bản cung cấp tàu tuần tra cho Việt Nam
Việt-Nhật trở thành “đồng minh tự nhiên”
Ngoài ra, gần đây, Nhật Bản cho biết sẽ
đẩy nhanh đàm phán cung cấp tàu tuần tra cho Việt Nam, điều này được thể
hiện trong cuộc gặp giữa Phó Thủ tướng Việt Nam Vũ Đức Đam với Thủ
tướng Nhật Bản Shinzo Abe và xác nhận của Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe
khi phát biểu dẫn đề cũng như của Thứ trưởng Quốc phòng Việt Nam Nguyễn
Chí Vịnh bên lề Đối thoại Shangri-La.
Thứ trưởng Nguyễn Chí Vịnh thậm chí khẳng định, Nhật Bản sẽ cung cấp tàu tuần tra cho Việt Nam vào đầu năm 2015.
Ngày 23 tháng 5 năm 2014, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam có cuộc hội kiến với Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe |
Tuy nhiên, ngày 9 tháng 6, nhiều tờ báo
Trung Quốc như Tân Hoa xã, Thời báo Hoàn Cầu… lại đồng loạt đăng một bài
viết tuyên truyền, được cho là dẫn lại bài viết của phó chủ biên tạp
chí "Học giả Ngoại giao" Nhật Bản Clint Richard.
Theo tuyên truyền của bài viết, Nhật Bản
có thể bận bịu với vấn đề đối nội, không có nhiều thời gian và nguồn
lực để quan tâm đến Việt Nam.
Theo bài báo, Nhật Bản, Mỹ và Trung Quốc
đã xảy ra cuộc khẩu chiến ở Đối thoại Shangri-La 2014 tại Singapore vừa
qua, nhất là liên quan đến vấn đề biển Hoa Đông và Biển Đông.
Sau đó, quốc gia quan tâm nhất đến liên
minh và nâng cao quan hệ đối tác an ninh song phương với Nhật Bản lại là
Việt Nam, đồng thời, Nhật Bản cũng thể hiện thiện chí rất lớn.
Theo Thứ trưởng Quốc phòng Việt Nam
Nguyễn Chí Vịnh thì Nhật Bản sẽ sớm cung cấp tàu tuần tra cho Việt Nam,
hơn nữa còn chia sẻ tin tức và huấn luyện cho lực lượng Cảnh sát biển
Việt Nam. Nhật Bản đứng về Việt Nam trong vấn đề Biển Đông và khuyến
khích các nước khác trong khu vực làm theo.
Tuy nhiên, theo bài báo, trước đó, tại
Quốc hội, Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe cho biết: "Do nhiệm vụ giám sát
của Lực lượng Phòng vệ Biển Nhật Bản kéo dài", Nhật Bản sẽ không thể
"lập tức cung cấp tàu tuần tra cũ cho Việt Nam". Nhiệm vụ mà ông Shinzo
Abe nhắc đến đó là tăng cường quy mô lớn hoạt động của tàu tuần tra Nhật
Bản ở xung quanh đảo Senkaku.
Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe phát biểu tại Đối thoại Shangri-La tối ngày 30 tháng 5 năm 2014. Ông cho biết, Nhật Bản sẽ hỗ trợ tối đa cho Việt Nam, Philippines. |
Theo báo Trung Quốc, phát biểu của ông
Shinzo Abe ở Quốc hội Nhật Bản nhằm nhấn mạnh quyết định muốn sửa đổi
điều 9 Hiến pháp, việc sửa đổi sẽ để cho Lực lượng Phòng vệ Biển có được
nhiều quyền lực hơn trong xử lý vấn đề đảo tranh chấp.
Ngày 1 tháng 6, Bộ trưởng Quốc phòng
Nhật Bản Itsunori Onodera và Bộ trưởng Quốc phòng Việt Nam Phùng
Quang Thanh đã đạt được thỏa thuận, hai nước sẽ tăng cường hợp tác quốc
phòng.
Theo tờ "The Japan Times", ông Itsunori
Onodera cho biết: "Nhật Bản đứng về phía Việt Nam trong cuộc đối đầu
Trung-Việt gần đây, Nhật Bản không chấp nhận cách làm sử dụng vũ lực làm
thay đổi hiện trạng, vấn đề liên quan cần thông qua đối thoại giải
quyết".
Bộ trưởng Phùng Quang Thanh cho biết,
cần căn cứ vào luật pháp quốc tế và tuân thủ phương thức hòa bình xử lý
tranh chấp biên giới biển Việt-Trung. Nhưng, trong Đối thoại Shangri-La
lần này cũng như mấy ngày gần đây, Trung Quốc đã liên tục xuyên tạc lịch
sử, cho rằng Trung Quốc có chủ quyền và thực thi chủ quyền đối với các
quần đảo trên Biển Đông "từ hơn 2.000 năm trước", thậm chí lấy cớ vô lý
đó để cho rằng, luật pháp quốc tế không thể sử dụng để phân chia lại
lãnh thổ, lãnh hải của Trung Quốc.
Ngoại trưởng Nhật Bản Fumio Kishida sắp thăm Việt Nam, hai bên sẽ tăng cường hợp tác để bảo vệ hòa bình, an ninh và ổn định ở Biển Đông. |
Ngoài ra, theo báo Trung Quốc, tuy Nhật
Bản và Việt Nam có "nhờ vả" lẫn nhau về quân sự, nhưng ngày 2 tháng 6,
Nhật Bản lại tuyên bố tạm dừng cung cấp khoản vay mới cho Việt Nam liên
quan đến bê bối đút lót giữa công ty tư vấn Nhật Bản và quan chức ngành
đường sắt Việt Nam. Đây là lần thứ hai Nhật Bản tạm dừng cho vay đối với
Việt Nam vì bê bối tham nhũng, tình hình này sẽ kéo dài ít nhất đến
tháng tới.
Việt Nam là nước nhận viện trợ phát
triển chính phủ lớn nhất của Nhật Bản, Nhật Bản đã cung cấp viện trợ
148,5 tỷ yên cho Việt Nam trong năm tài khóa 2012, trở thành nước viện
trợ lớn nhất của Việt Nam.
Nhưng, báo Trung Quốc tuyên truyền chia
rẽ cho rằng, trong quan hệ với Việt Nam, Nhật Bản cũng "giữ khoảng
cách", "không sẵn sàng đi quá gần với đối phương".
Bài báo bịa đặt rằng, tuyên truyền không
liêm sỉ rằng sau khi xảy ra đối đầu với Trung Quốc thì Việt Nam đã trở
thành một trong những nước láng giềng "hiếu chiến nhất" của Trung Quốc.
Báo này cho rằng Việt Nam đã trở thành
một “đồng minh tự nhiên” của Nhật Bản, quốc gia cũng có ý định tìm kiếm
đối tác cùng kiềm chế ảnh hưởng khu vực của Trung Quốc.
Nhưng, theo báo Trung Quốc, mặc dù Nhật
Bản có những lo ngại đối với Trung Quốc, song một phần là do nhu cầu
trong nước, nên đã thổi phồng lên.
Tàu tuần tra cỡ lớn Okinawa của Nhật Bản (ảnh tư liệu minh họa) |
Theo tuyên truyền xuyên tạc của báo
Trung Quốc, khi cảm thấy lãnh hải của mình bị đe dọa, Nhật Bản đương
nhiên không thể cung cấp tàu tuần tra thừa cho Việt Nam, việc tạm dừng
viện trợ đường sắt cho Việt Nam cũng xảy ra đúng vào thời điểm quan
trọng.
"Là nước viện trợ phát triển lớn nhất
của Việt Nam, đây là một “lợi khí” lớn để Nhật Bản tăng cường "kiểm
soát" Việt Nam. Việc trì hoãn cung cấp tàu và tạm dừng cho vay có thể là
biện pháp kép nhấn mạnh tầm quan trọng của quan hệ Nhật-Việt, đồng thời
cũng cảnh báo Việt Nam: Không tiếp tục làm trầm trọng quan hệ căng
thẳng với Trung Quốc".-Báo TQ xuyên tạc, li gián quan hệ Nhật - Việt.
Theo tuyên truyền của báo Trung Quốc,
tuy Việt-Trung xảy ra xung đột dường như có lợi cho ông Shinzo Abe thúc
đẩy sửa đổi điều 9 Hiến pháp, nhưng, Nhật Bản hiện nay hoàn toàn không
có đủ không gian và biện pháp hiệu quả để ủng hộ thực tế cho Việt Nam.
Điều này được thể hiện trong chương trình nghị sự hiện nay của ông
Shinzo Abe.
Theo bài báo, trong tháng này, đợt kế
hoạch cải cách kinh tế lớn nhất của Nhật Bản được khởi động, bất cứ kế
hoạch thay đổi về quân sự nào của Nhật Bản đều sẽ bị đẩy lùi một cách
tương ứng, sớm nhất cũng sẽ tiến hành vào cuối năm 2014. Nhìn vào tình
hình hiện nay, cuối năm đã là dự đoán quá lạc quan.
Tàu chấp pháp Nhật Bản kiên quyết chiến đấu với các hành vi khiêu khích của Trung Quốc ở vùng biển đảo Senkaku |
Theo tuyên truyền của báo Trung Quốc,
cho dù quan chức Nhật Bản có thể "phát ngôn tùy tiện" ở quốc tế hoặc
triển khai hoạt động tăng cường quan hệ bảo đảm an ninh ở khu vực, mối
quan tâm lớn nhất của Nhật Bản hiện nay lại tập trung vào cải thiện nền
kinh tế, khắc phục trạng thái không ổn định của kinh tế mới là nhiệm vụ
hàng đầu của chính quyền Shinzo Abe.
Đăng nhận xét