Báo TQ xuyên tạc: Việt Nam dùng Cam Ranh dụ Nga can thiệp Biển Đông

Báo Trung Quốc lo ngại về hoạt động hợp tác dầu khí, hợp tác quốc phòng tăng cường giữa Việt-Nga trong bối cảnh Trung Quốc đang xâm lược vùng biển Việt Nam.

Máy bay chiến đấu Su-30MK2 của Không quân Việt Nam
Tờ "Thời báo Hoàn Cầu" Trung Quốc ngày 21 tháng 6 đăng bài viết nhan đề "Việt Nam không thể tự đối đầu Trung Quốc, muốn lấy vịnh Cam Ranh làm mồi nhử Nga can thiệp Biển Đông" xuyên tạc về quan hệ hữu nghị Việt-Nga.
Theo bài viết, súng trường tự động AK-47 do Liên Xô chế tạo từng được sử dụng rộng rãi trong chiến tranh Việt Nam, đã giúp người Việt Nam chống lại có hiệu quả sự xâm lược của người Mỹ, hiện nay Việt Nam lại muốn "mượn sức" của Nga.
Bài viết cho rằng, Đại sứ Việt Nam tại Nga ngày 19 tháng 6 đã “gửi thư” cho phía Nga, cam kết Nga có quyền ưu tiên ở vịnh Cam Ranh – một quân cảng quan trọng của Việt Nam, trong khi đó biên đội 3 tàu chiến Hạm đội Thái Bình Dương hải quân Nga vào ngày 20 tháng 6 cũng đã kết thúc tiếp tế hậu cần ở vịnh Cam Ranh.
Trước đó, tại Đối thoại Shangri-La 2014, Bộ trưởng Quốc phòng Việt Nam Phùng Quang Thanh tuyên bố “vịnh Cam Ranh hoan nghênh tất cả các khách thương mại và quân sự”, điều này cũng được truyền thông Mỹ xem như là “cành ô liu” chìa ra cho tàu chiến Mỹ. Đại sứ mới ở Việt Nam do Tổng thống Mỹ đề cử kêu gọi Mỹ “xem xét hủy bỏ lệnh cấm bán và chuyển nhượng vũ khí sát thương cho Việt Nam”.
Tàu ngầm diesel-điện Hà Nội lớp Kilo của Hải quân Việt Nam, mua của Nga. Đến năm 2016, Việt Nam sẽ có hạm đội tàu ngầm với 6 chiếc thuộc lớp Kilo, hiện hải quân Việt Nam đã biên chế 2 chiếc.
Báo Trung Quốc xuyên tạc cho rằng, để “quốc tế hóa” vấn đề Biển Đông, Việt Nam không tiếc lấy vịnh Cam Ranh để “lôi kéo” Nga, Mỹ, điều này đã đem lại lợi ích thực tế cho Nga, Mỹ, nhưng đồng thời cũng được xem là “mồi câu”.
Đối với vấn đề này, báo Trung Quốc dẫn lời “học giả” Trung Quốc giấu tên võ đoán, lên giọng cho rằng, bất kể là “lôi kéo Nga kiềm chế Trung Quốc ở Biển Đông” hay có được vũ khí tiên tiến của Mỹ, “Việt Nam đều sẽ không được toại nguyện”.
Nga có quyền ưu tiên ở vịnh Cam Ranh
Hãng Itar-Tass Nga ngày 19 tháng 6 cho biết, trong cuộc họp báo về “Ngày văn hóa Việt-Nga” cùng ngày, Đại sứ Việt Nam tại Nga Phạm Xuân Sơn cho biết, hai bên Nga-Việt đang đàm phán thành lập công ty liên doanh cung cấp dịch vụ bảo trì cho các loại tàu dân dụng và quân dụng.
Khi nói về vịnh Cam Ranh, Đại sứ Phạm Xuân Sơn cho biết: “Một phần vịnh Cam Ranh là dân dụng, một phần khác là căn cứ quân sự. Trong tình hình tuân thủ thỏa thuận cần thiết, tàu chiến nước ngoài có thể đi vào khu vực này, nhưng chúng tôi có thể công khai nói, Nga có quyền ưu tiên ở đây. Hợp tác quân sự với Nga rất quan trọng”.
Hình ảnh về vịnh Cam Ranh của Việt Nam
Theo luận điệu phỏng đoán của bài báo, gần đây, tỷ lệ xuất hiện trên truyền hình Nga của Đại sứ Phạm Xuân Sơn rất cao. Báo Nga ngày 19 tháng 6 có bài viết nhan đề “95% vũ khí của Việt Nam mua từ Nga” cho rằng, khi trả lời phỏng vấn, Đại sứ Phạm Xuân Sơn cho biết, Việt-Nga không chỉ có rất nhiều hợp tác trong lĩnh vực khai thác dầu mỏ, mà còn có hợp tác quan trọng trên các lĩnh vực như xây dựng nhà máy điện hạt nhân đầu tiên ở Việt Nam, sản xuất máy bay trực thăng.
Hai bên đã hoàn thành đàm phán về việc phía Nga mua 49% cổ phần của Công ty dầu khí Việt Nam. Những công ty dầu khí lớn của Nga tiến hành thăm dò và khai thác ở thềm lục địa Việt Nam gồm có: Gazprom, Rosneft Oil, Lukoil và Zarubezhneft.
Báo Trung Quốc dẫn lời cái gọi là “học giả Nga” giấu tên phân tích cho rằng, Việt Nam không thể độc lập đối đầu với Trung Quốc trong vấn đề “tranh chấp lãnh thổ”, vì vậy muốn “lôi kéo” Nga vào khu vực này, như vậy có thể làm “quốc tế hóa” vấn đề Biển Đông.
Đối với vai trò của Nga trong tranh chấp Biển Đông, Đại sứ Phạm Xuân Sơn ngày 19 tháng 6 cho rằng, Việt Nam chủ trương cùng Trung Quốc căn cứ vào luật pháp quốc tế, thông qua biện pháp hòa bình giải quyết tất cả bất đồng. Ông đặc biệt nhấn mạnh lập trường khách quan của Nga trong vấn đề “tranh chấp lãnh thổ” Việt-Trung.
Ngày 16 tháng 6 năm 2014, bên lề Hội nghị Dầu khí Thế giới (WPC) lần thứ 21 tại Moscow - Liên bang Nga, Bộ trưởng Bộ Công Thương Vũ Huy Hoàng đã chứng kiến Tổng giám đốc Tập đoàn dầu khí Việt Nam Đỗ Văn Hậu ký biên bản ghi nhớ với ông Igor Sechin, Chủ tịch Tập đoàn Rosneft và ông Sergey Kudryasov, Tổng giám đốc Tập đoàn Zarubezhneft về mở rộng cơ hội hợp tác tại các lô 125 – 126, một số lô mở và các lô hợp đồng khác tại Bể Phú Khánh, thềm lục địa Việt Nam.
Đại sứ Phạm Xuân Sơn nói: “Việt Nam tán thành lập trường của Nga, căn cứ vào lập trường này, tất cả tranh chấp đều cần căn cứ vào luật pháp quốc tế, trước hết là Công ước Liên hợp quốc về Luật biển năm 1982, giải quyết thông qua hòa bình”.
Trong khi đó, trang mạng Rusnews ngày 15 tháng 4 từng đưa tin về thể hiện lập trường từ người phát ngôn Bộ Ngoại giao Nga: “Nga theo dõi chặt chẽ tình hình hiện nay ở Biển Đông. Nga hy vọng các bên có thể giữ kiềm chế, thông qua đàm phán giải quyết bất đồng”.
Theo báo Trung Quốc, truyền thông và học giả Nga rất quan tâm đến quan hệ Việt-Trung. Khi đưa tin về chuyến thăm Việt Nam của ủy viên quốc vụ Trung Quốc Dương Khiết Trì, “Đài tiếng nói nước Nga” cho rằng, cuộc đàm phán không đạt được tiến triển rõ rệt, nhưng hai bên đã đạt được đồng thuận “tiếp tục tiến hành tiếp xúc trên lĩnh vực này”.
Chuyên gia Vinogradov, Viện Viễn Đông, Viện khoa học Nga cho rằng: “Giữa Trung Quốc và Việt Nam sẽ không hoàn toàn gián đoạn liên hệ, đặc biệt là ở cấp cao. Nếu không thể giải quyết vấn đề, ít nhất cũng có thể làm dịu xung đột. Ngoài ra, Hà Nội và Bắc Kinh cũng đều phải xem xét đến lòng dân của nước mình”.
Ngày 16 tháng 6 năm 2014 tại Moscow - Liên bang Nga, Bộ trưởng Bộ Công thương Vũ Huy Hoàng chứng kiến lễ ký bản ghi nhớ hợp tác giữa Tập đoàn dầu khí Việt Nam và Tập đoàn Rosneft và Tập đoàn Zarubezhneft Nga
Tờ “Thời báo Hoàn Cầu” Trung Quốc tìm hiểu thông tin trên báo chí Việt Nam và để ý đến một số thông tin về quan hệ Việt-Nga, gồm có: “Hợp tác quốc phòng là lĩnh vực trọng điểm của quan hệ Việt-Nga”, “Việt-Nga tổ chức đối thoại cấp Thứ trưởng Quốc phòng lần đầu tiên”, “quan hệ hợp tác trên nhiều phương diện giữa Việt-Nga đạt được tiến triển tích cực”…
Theo tờ báo này, hợp tác quốc phòng giữa Việt-Nga còn có cử đoàn đại biểu thăm nhau, đào tạo nhân viên và hải quân, nghiên cứu chiến lược, giao lưu kỹ thuật quân sự. Khai thác dầu khí ở Biển Đông là “quan trọng hàng đầu” của hợp tác Việt-Nga.
Ngày 18 tháng 6, cổng điện tử của Chính phủ Việt Nam đăng hình ảnh cho biết, Tập đoàn dầu khí Việt Nam và Tập đoàn Zarubezhneft và Rosneft Nga ký kết bản ghi nhớ tiến hành hợp tác thăm dò dầu khí ở thềm lục địa Việt Nam. 
Đài tiếng nói Việt Nam cho biết, ngoài doanh nghiệp Nga, còn có các công ty dầu khí lớn quốc tế như công ty Exxon Mobil Mỹ, công ty Oil & Natural Gas Ấn Độ tiếp tục hợp tác với Việt Nam

Đăng nhận xét

Breaking