Tàu Trung Quốc mở họng pháo uy hiếp tàu Cảnh sát biển Việt Nam

Khi cách giàn khoan 8,5 hải lý, tàu Việt Nam bật loa tuyên truyền, lập tức 7 tàu Trung Quốc tổ chức đội hình vây hãm ngăn chặn tàu thực thi pháp luật Việt Nam.
Đã 3 ngày, trên biển Hoàng Sa, mây đen, mưa lớn và sóng vẫn dữ dội. Sáng 14-6, tàu Cảnh sát biển Việt Nam 4032 cùng các tàu thực thi pháp luật của Việt Nam tiến sát vào khu vực giàn khoan Hải Dương 981Trung Quốc hạ đặt trái phép trong vùng biển Việt Nam, để làm nhiệm vụ tuyên truyền pháp luật.
Khi cách giàn khoan 8,5 hải lý, tàu Việt Nam bật loa tuyên truyền, lập tức 7 tàu Trung Quốc tổ chức đội hình vây hãm ngăn chặn tàu thực thi pháp luật Việt Nam.
Bám sát mạn phải của tàu Cảnh sát biển 4032 là tàu số 13 của Trung Quốc. Trên boong có 2 khẩu pháo 630 và phía sau có 2 khẩu pháo lớn. Bám sát sau lưng tàu Cảnh sát biển Việt Nam 4032 là nhiều tàu hải giám, tàu kéo... Trong đó, có tàu 46001, ngày 13-5 từng lao vào tàu Cảnh sát biển Việt Nam 4032.

Tàu Trung Quốc liên tục tổ chức vây hãm tàu thực thi pháp luật của Việt Nam


Chiều 14-6, Cục Kiểm ngư Việt Nam cho biết, Trung Quốc tiếp tục sử dụng đội tàu bám sát, ngăn cản và sẵn sàng đâm va tàu thực thi pháp luật của Việt Nam, tại khu vực giàn khoan Hải Dương  981.
Trước những việc làm đầy toan tính của Trung Quốc nhằm mở rộng chủ quyền của mình ở biển Đông, Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) cần phải có cách tiếp cận chung, mạnh mẽ hơn với Trung Quốc để thúc đẩy hoàn thành Bộ Quy tắc Ứng xử ở biển Đông (COC). Đó là phát biểu của tiến sĩ William Choong, chuyên gia nghiên cứu cấp cao của Viện Nghiên cứu Chiến lược Quốc tế (IISS) - khu vực châu Á.

Theo Tiến sĩ Choong, việc Trung Quốc đưa giàn khoan Hải Dương -981(Haiyang Shiyou 981) trị giá 1 tỷ USD tới hạ đặt tại Vùng Đặc quyền Kinh tế và thềm lục địa của Việt Nam là “một động thái được tính toán trước” và “đã được Bắc Kinh lên kế hoạch cẩn thận.”

Theo học giả người Singapore, những hành động của Trung Quốc liên quan tới Bãi cạn Hoàng Nham, vùng biển mà Philippines cũng tuyên bố chủ quyền, và Bãi đá James nằm trong Vùng Đặc quyền Kinh tế của Malaysia, cùng với việc hạ đặt trái phép giàn khoan dầu tại vùng biển Việt Nam “là chiến lược được tính toán kỹ càng của Trung Quốc” để dần chiếm toàn bộ khu vực Đường chín đoạn.

Ông Choong cũng cho rằng trước những hành động này của Trung Quốc tại biển Đông, nếu không có phản ứng nào, dù là phản ứng quân sự hay phi quân sự từ các nước tuyên bố chủ quyền ở trong vùng, thì “Trung Quốc sẽ biến ý đồ của họ thành thực tế và mở rộng cơ bản chủ quyền của mình tại biển Đông. Điều này sẽ có hại cho an ninh khu vực, vốn được thiết lập trên cơ sở các cuộc thương lượng và cộng tác giữa Trung Quốc và các nước tại châu Á-Thái Bình Dương".

Đăng nhận xét

Breaking