Việt Nam kiên nhẫn trước sự hung hăng của Trung Quốc

 Tàu Trung Quốc rất hung hăng”, nhà báo Manabu Sasaki (41 tuổi), trưởng đại diện của nhật báo Asahi Shimbun (Nhật Bản) tại Hà Nội, đã nhận xét như thế khi trao đổi với phóng viên Tuổi Trẻ.
Trung Quốc đã từng chạm trán với Nhật Bản tại khu vực quần đảo Senkakư và tôi được biết anh là một trong những phóng viên có mặt tại vùng biển này ở thời điểm đó. Khi ấy, thái độ của Trung Quốc như thế nào?
- Nhà báo Manabu Sasaki: Tôi là một trong những phóng viên được đi theo máy bay quân sự Nhật Bản ra quần đảo Senkakư tác nghiệp. Ở phía trên nhìn xuống, chúng tôi nhận thấy các tàu Trung Quốc luôn cố tiếp cận gần đảo Senkakư nhưng các tàu Cảnh sát biển Nhật Bản đã ngăn cản quyết liệt. Các tàu của Trung Quốc rất hung hăng. Trong trí nhớ của tôi, ít nhất một lần tàu Trung Quốc đâm vào tàu Nhật Bản. Nhưng khi đó, lực lượng tàu của Nhật Bản và Trung Quốc tương đương nhau. Trung Quốc không điều máy bay quân sự và tàu chiến như ở đây. 
http://images.tuoitre.vn/Tianyon/Cache/Image/227/711227.jpg
"Tôi rất ấn tượng tinh thần của các chiến sĩ trên tàu CSB VN 8003 VN vì họ đã trải qua một hành trình dài, xa gia đình rất lâu nhưng không hề phàn nàn mà rất lạc quan. Họ luôn cười mỗi khi gặp tôi và khi họ nói chuyện với nhau. Không khí ở tàu rất tuyệt, như một gia đình. Đặc biệt, tôi vô cùng ấn tượng trước việc lực lượng tàu VN rất kiềm chế, không có hành động đâm va, phun vòi rồng như Trung Quốc. Họ bình tĩnh và kiên nhẫn trước sự hung hăng của Trung Quốc. Họ chỉ phát loa tuyên truyền phản đối lại việc Trung Quốc hạ đặt giàn khoan trong vùng biển của mình và yêu cầu họ rút giàn khoan, các tàu bảo vệ. Tôi cũng lo ngại trước việc Trung Quốc không có ý định đàm phán, giải quyết vấn đề này một cách hòa bình. Sáng nay, tôi vẫn thấy họ cho nhiều tàu cùng lúc truy đuổi tàu VN".
(Nhà báo Manabu Sasaki - Nhật)
* Trong những ngày ở vùng biển Hoàng Sa của Việt Nam, nơi Trung Quốc hạ đặt trái phép giàn khoan, anh có nhận thấy sự khác biệt trong hành động và thái độ giữa tàu Trung Quốc và tàu Việt Nam?
- Điều này hiển nhiên là rõ ràng. Sự thật là các tàu Trung Quốc rất nhiều xung quanh đây và họ đã vây ép, dùng vòi rồng tấn công tàu Việt Nam. Trước hành động này của Trung Quốc, tàu Việt Nam chỉ tăng tốc di chuyển ra xa trước sự vây ép của nhiều tàu Trung Quốc cùng lúc. Tôi nhận thấy có sự khác biệt rất rõ giữa lực lượng tàu Việt Nam và Trung Quốc về số lượng lẫn kích cỡ tàu. Trung Quốc liên tục tiếp cận, vây ép, tấn công tàu Việt Nam. Họ rất hung hăng và luôn ở thế tấn công.
Tuy nhiên, ở Senkakư, mức độ hung hăng của tàu Trung Quốc không như ở đây. Có thể do Mỹ đã cam kết sẽ can thiệp bằng quân sự để bảo vệ Nhật Bản trong trường hợp Trung Quốc tấn công chiếm Senkakư. Và một lý do nữa là, tiềm lực kinh tế và quân sự của Nhật Bản cũng khiến Trung Quốc phải hạn chế hành động của họ ở Senkakư.
* Anh nói trong những ngày ở đây đã chứng kiến thái độ hung hăng của các tàu Trung Quốc. Có phải do tiềm lực quân sự và kinh tế của một nước lớn mà Trung Quốc tự cho mình quyền hành xử như vậy?
- Đúng là như thế. Người dân Việt Nam yêu chuộng hòa bình nhưng rất dũng cảm, sẵn sàng hy sinh vì đất nước. Lịch sử của các bạn đã chứng minh điều đó. Nhưng hiện tại, tiềm lực kinh tế và quân sự của Việt Nam so với Trung Quốc quá chênh lệch. Hơn nữa, Trung Quốc đã từng đô hộ, thống trị Việt Nam 1.000 năm nên trong đầu óc của họ nghĩ rằng có thể kiểm soát Việt Nam và Việt Nam sẽ không dám chống lại, nhất là bây giờ tiềm lực kinh tế và quân sự của Trung Quốc đều hơn hẳn Việt Nam.
* Thái độ của Trung Quốc ở Senkakư khác hẳn so với ở Hoàng Sa vì Nhật Bản là một đồng minh của Mỹ hay vì là một nước có tiềm lực kinh tế, quân sự lớn?
- Đây là câu hỏi rất hay và rất khó trả lời. Rất khó để nói cái nào mang tính quyết định. Nhưng thực ra tôi không thích sự lớn mạnh về quân sự của Nhật Bản trong quá khứ. Vì nó đã từng khiến Nhật trở thành phát-xít, đi xâm chiếm thế giới và hậu quả là chính dân tộc Nhật Bản đã phải gánh chịu nỗi đau ở Hiroshima và Nagashaki. Tôi cho rằng Việt Nam đang tăng cường hơn nữa các mối quan hệ ngoại giao với nhiều nước là rất tốt. Đó là sự linh hoạt, thông minh và rất cần thiết. Nó có lợi cho VN nhiều hơn.
* Anh đứng ở tâm thế nào trong những bài viết của mình khi đưa tin về diễn biến tại đây?
- Tôi hoàn toàn độc lập, muốn tìm hiểu sự thật về những gì đang xảy ra ở đây và phản ánh đúng sự thật những gì mình đã chứng kiến. Khi về Đà Nẵng, tôi sẽ đến Quảng Ngãi, tìm phỏng vấn hai ngư dân bị tàu Trung Quốc đánh bị thương. Tôi sẽ ghi hình tàu cá bị tàu Trung Quốc phá hỏng.
* Xin anh cho biết phản ứng của người dân Nhật Bản trước vụ việc Trung Quốc hạ đặt trái phép giàn khoan tại vùng biển của Việt Nam như thế nào? Tôi không hỏi anh ở góc độ là một phóng viên, mà là một người dân Nhật Bản, anh nghĩ như thế nào trước hành động này của Trung Quốc?
- Nói chung có nhiều ý kiến khác nhau nhưng hầu hết người dân Nhật Bản đều chia sẻ với người dân Việt Nam trước hành động cậy nước lớn của Trung Quốc. Khi nghe nói đến việc Trung Quốc ngang nhiên hạ đặt giàn khoan trong vùng biển Việt Nam, người dân Nhật Bản cũng nghĩ đến thái độ, hành động của Trung Quốc ở quần đảo Senkakư của chúng tôi.
* Anh có biết về lịch sử của Hoàng Sa? Theo anh, tại sao dư luận thế giới lại ủng hộ Việt Nam và lên án Trung Quốc?
- Tôi có biết về lịch sử của Hoàng Sa. Việc có một quốc gia sử dụng sức mạnh quân sự để chiếm ưu thế ở biển Đông là không thể chấp nhận được. Thế giới ủng hộ mạnh mẽ Việt Nam vì mọi người đều tôn trọng luật lệ. Hành động của Trung Quốc đi ngược với luật pháp quốc tế.

Đăng nhận xét

Breaking