Việt Nam đủ sức giáng trả nếu xảy ra đụng độ trên biển Đông

Trả lời báo giới, Phó Đô đốc Nguyễn Văn Tình - Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân, nguyên ủy viên Trung ương Đảng, nguyên ủy viên Quân ủy trung ương quả quyết: Việt Nam có đủ khả năng giáng trả, nếu xảy ra đụng độ trên biển buộc ta phải tự vệ.
Việt Nam đủ khả năng giáng trả, bảo vệ chủ quyền thiêng liêng của Tổ quốc

Phó Đô đốc Nguyễn Văn Tình nhấn mạnh: “Tôi hoàn toàn nhất trí với ý kiến của Thượng tướng Nguyễn Chí Vịnh, Thứ trưởng Bộ Quốc phòng nói rằng, Việt Nam có đủ khả năng giáng trả Trung Quốc, nếu xảy ra đụng độ trên biển, buộc ta phải tự vệ. Tôi tin tưởng ở khả năng của hải quân và quân đội Việt Nam”.

Hải quân Việt Nam hiện có 5 binh chủng cơ bản là binh chủng tàu mặt nước, tàu ngầm, radar tên lửa bờ, không quân của hải quân, đặc công nước và hải quân đánh bộ. Phó Đô đốc càng tin tưởng hơn vào khả năng của dân tộc ta đủ sức chiến đấu, nếu có đụng độ, buộc Việt Nam phải tự vệ.


Giàn khoan trái phép Haiyang Shiyou 981 (Hải Dương 981) Trung Quốc hạ đặt trên vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa Việt Nam


Phó Đô đốc Nguyễn Văn Tình cho biết: “Trang bị của chúng ta có thể chênh lệch về số lượng, quân đội ta về số lượng có thể hạn chế về tương quan lực lượng, chúng ta chưa có hàng không mẫu hạm, nhưng những đảo nổi trên biển của ta là những hàng không mẫu hạm không bao giờ chìm. Ngoài ra, việc giành chiến thắng kẻ thù không chỉ bằng sức mạnh quân sự và vũ khí, mà còn bằng sự đoàn kết, đồng lòng, mà điều đó, tôi tin chắc rằng nhân dân ta có thừa”.

Tuy nhiên, Phó Đô đốc Nguyễn Văn Tình cũng nhấn mạnh rằng Việt Nam sẽ không bao giờ nổ súng trước, Việt Nam có chính nghĩa, công lý và lẽ phải trong vấn đề chủ quyền biển đảo. Việt Nam là một đất nước có nền văn hiến đáng nể trọng, do vậy đánh nhau không phải là một hành động phù hợp.

Chuyên gia Nga lên tiếng bác bỏ luận điệu sai trái về Việt Nam

Với tựa đề “Việt Nam không phải là Crimea” đăng trên tờ báo độc lập Nước Nga Xôviết, Ông Vladimir Mazyrin - Giám đốc Trung tâm nghiên cứu ASEAN và Việt Nam thuộc Viện Viễn Đông, Viện Hàn lâm Khoa học Nga, tác giả bài viết đã phản bác những luận điệu sai trái của phóng viên hãng thông tấn Russia Today Dmitry Kosyrev đưa ra trong bài báo “Hợp tác Nga-Trung cao hơn mọi tuyên bố”, đăng trên trang web ria.ru ngày 19-5, song đã bị gỡ bỏ. 

Trong bài báo, ông Vladimir Mazyrin cho rằng, việc so sánh "cuộc xung đột Việt-Trung trước thềm chuyến thăm Trung Quốc của Tổng thống Nga Vladimir Putin như một yếu tố phá hoại chuyến thăm" là không có cơ sở khi Nga có quan hệ đối tác chiến lược ngang bằng và cùng lúc với cả Việt Nam và Trung Quốc và cả hai nước đều thể hiện mong muốn giữ quan hệ tốt đẹp với Nga.

Theo ông Vladimir Mazyrin, tác giả Kosyrev đã có sự nhầm lẫn tai hại về lịch sử Việt Nam và nhấn mạnh, tác giả Kosyrev đã có cái nhìn phiến diện, không hữu nghị và phá hoại quan hệ Việt-Nga khi khẳng định rằng "Việt Nam đang tiến hành cuộc chơi trục lợi trong mối quan hệ Trung Quốc với Mỹ và phương Tây nói chung giống như chính quyền Ukraine".

Việt Nam là một quốc gia có chủ quyền, nhân tố độc lập và tích cực trong nền chính trị toàn cầu, là thành viên có trách nhiệm của Liên hợp quốc. Sự ủng hộ của Mỹ, EU đối với Việt Nam không phải vì Việt Nam có các hành động chống Trung Quốc mà là do những thành tựu kinh tế, môi trường đầu tư hấp dẫn mà Việt Nam đã tạo dựng được.

Trung Quốc không quan tâm hình ảnh quốc gia

Ngày 12-6, trên tờ The Diplomat (Nhật Bản), cây bút Dingding Chen nhận định rằng, những hành động gây hấn gần đây trên biển Hoa Đông và biển Đông khiến hình ảnh quốc gia của Trung Quốc trên toàn cầu đang vấp phải những thách thức lớn. Nhưng nếu phải lựa chọn, Trung Quốc sẽ chọn lợi ích quốc gia thay vì hình ảnh trên thế giới.


Tàu Trung Quốc dàn hàng, vây ép, đâm va vào tàu Việt Nam


Ông Chen dẫn chứng, những năm qua, Trung Quốc rất quan tâm hình ảnh quốc gia trên thế giới, ra sức khuếch trương sức mạnh mềm. Tuy nhiên, hành động gây hấn ở biển Hoa Đông, biển Đông thời gian qua cho thấy, Trung Quốc dường như không lo lắng về hình ảnh của mình đối với các nước láng giềng.

Vấn đề đặt ra là nếu quan tâm đến hình ảnh quốc gia, tại sao Trung Quốc lại hành xử theo cách gây tổn hại đến nó?

Theo ông Chen, có thể lý giải mâu thuẫn này theo 3 cách. Trước tiên, có lẽ Trung Quốc không thực sự hào hứng với ý tưởng về hình ảnh quốc gia hay sức mạnh mềm. Theo cách nghĩ thống trị ở Trung Quốc, quyền lực thực sự trong chính trị quốc tế là quyền lực vật chất, quyền lực mềm chỉ là thứ sản phẩm phụ của quyền lực cứng. Các nhà lãnh đạo Trung Quốc quan niệm “gây sợ hãi tốt hơn là yêu mến” trong nền chính trị quốc tế.

Thứ hai, Trung Quốc quan tâm nhưng lại không đủ khả năng, thậm chí vụng về trong vấn đề xây dựng hình ảnh quốc gia. Giới chức chịu trách nhiệm bồi đắp hình ảnh quốc gia thiếu năng lực hoặc không có sự phối hợp giữa Bộ Ngoại giao và giới quân sự.

Ông Chen dẫn trường hợp Trung Quốc cáo buộc tàu Việt Nam đâm tàu Trung Quốc hơn 1.400 lần, nói sẽ thuyết phục hơn nếu đưa ra được video bằng chứng tàu Việt Nam đâm húc tàu Trung Quốc (thực tế Trung Quốc vu khống nên không thể có bằng chứng). Có rất nhiều ví dụ như thế.

Cuối cùng, ông Chen cho rằng, việc Trung Quốc bỏ mặc hình ảnh quốc gia có thể giải thích bởi sự lựa chọn chiến lược, đặt lợi ích quốc gia (yêu sách chủ quyền một cách ngang ngược, bất chấp luật pháp quốc tế) lên trên hình ảnh quốc gia.

Đăng nhận xét

Breaking