Các nước Arab tham gia tấn công IS, Mỹ không
kích nhóm khủng bố Khorasan thuộc al-Qaeda và Al-Assad không phản ứng
khi máy bay Mỹ đi vào không phận là những điều ít người ngờ tới.
Tên lửa hành trình Tomahawk được bắn từ chiến hạm USS Arleigh Burke, mở màn chiến dịch không kích của Mỹ và các nước Arab, trước khi phản lực chiến đấu dội bom các mục tiêu. Ảnh: Getty |
1. Các nước Arab tham gia tấn công IS
Mỹ luôn khẳng định cuộc tấn công này là nhằm vào Nhà nước Hồi giáo và sẽ không biến nó thành một cuộc chiến tranh tiếp theo của nước Mỹ và đặc biệt là phủ nhận cuộc tấn công là nhằm chống lại thế giới Hồi giáo hoặc các nước Arab. Và lần ném bom vào Syria này là một bước quan trọng trong hướng đi đó. Sau đó, các nước Bahrain, Jordan, Saudi Arabia, Các tiểu vương quốc Arab thống nhất (UAE) và Qatar cùng "tham gia hoặc hỗ trợ" Mỹ không kích chống lại IS.
Qatar vốn được dự kiến chỉ thể hiện sự ủng hộ sau đó lại tham gia đầy đủ vào liên minh là một bất ngờ. Qatar trước đó tích cực ủng hộ phe đối lập ở Syria chống lại chính quyền của Tổng thống Bashar al-Assad và nhiều người đổ lỗi rằng sự hỗ trợ đó đã khiến các nhóm phiến quân Hồi giáo mạnh lên, dưới cái cớ của phong trào chống al-Assad.
2. Mỹ tấn công nhóm Khorasan thuộc al-Qaeda
Thông tin gây chấn động này được giữ kín trong thông báo của Lầu Năm Góc, vốn chỉ nói rằng "hành động nhằm phá vỡ cuộc tấn công sắp xảy ra chống lại lợi ích của Mỹ và các nước phương Tây".
Cho đến nay, cuộc tranh luận về việc Mỹ có nên không kích Syria đều mặc định rằng tấn công để diệt trừ mối đe dọa từ IS, nhưng nước Mỹ còn có mối lo về sự lớn mạnh của Khorasan, một nhóm chiến binh thiện chiến của al-Qaeda.
Theo CNN, Bộ chỉ huy Trung ương Mỹ nói các lực lượng của nước này, không bao gồm sự tham gia của các nước Arab, đã không kích vào các kho thuốc nổ và đạn dược, trại huấn luyện và nhiều cơ sở khác của nhóm Khorasan.
Với việc tấn công nhóm khủng bố al-Qaeda, Mỹ đang cố gắng đề phòng một nhóm vũ trang khác sẽ thế chỗ sau khi IS mất dần sức mạnh tại Syria. Đánh bại Khorasan sẽ tạo ra cơ hội cho phiến quân ôn hòa ở Syria, hơn là lực lượng của chính quyền al-Assad hoặc một nhóm cực đoan nào đó lấp vào chỗ trống sau khi IS sụp đổ.
3. Các nhóm thánh chiến đua nhau chống Mỹ
Nhóm khủng bố Khorasan thuộc al-Qaeda được đánh giá là nguy hiểm và tàn bạo hơn cả IS. Ảnh: Tnnegypt |
Nhóm Khorasan do Muhsin al Fadhli, 33 tuổi, người Kuwait, cầm đầu. Al-Fadhli có tên trong danh sách truy nã hàng đầu của nhiều nước. Y được đánh giá là đóng vai trò chủ chốt trong sự chia rẽ ở Syria giữa IS và al-Qaeda.
Al Fadhli và thủ lĩnh IS, Abu Bakr al-Baghdadi, chống đối nhau xuất phát từ thù hằn cá nhân. Vì al-Baghdadi cố gắng xây dựng al-Qaeda thành nhóm mạnh nhất toàn cầu nên có thể dễ dàng đoán rằng hai nhóm này sẽ cạnh tranh để tranh giành chiến binh và tranh giành uy tín bằng cách tấn công Mỹ và châu Âu.
4. Al-Assad không phản ứng
Vấn đề khó khăn nhất trong cuộc chiến chống các phần tử Hồi giáo cực đoan ở Syria là chúng muốn lật đổ al-Assad. Trong khi đó, quan điểm của Mỹ cũng là al-Assad cần từ bỏ quyền lực. Kẻ thù của kẻ thù lại không phải là bạn của nước Mỹ. Washington tiếp tục thể hiện rằng không cần phải được sự cho phép của al-Assad khi không kích trong lãnh thổ Syria và không có khả năng "phối hợp hoặc hợp tác" với cả Syria hoặc đồng minh của nước này, Iran.
Bộ Ngoại giao Syria nói rằng Mỹ đã thông báo với đặc phái viên của Liên Hợp Quốc trước khi không kích trên lãnh thổ Syria. Damascus đã không lên tiếng phản đối hành vi xâm phạm không phận của liên minh quân sự đối địch.
Tuy nhiên, một sự cố khác xảy ra. Israel cho biết sáng sớm 23/9, một máy bay chiến đấu của Syria đi vào không phận Israel và bị bắn hạ. Phi công kịp thoát ra an toàn. Nhà nước Do Thái nói phi cơ xâm nhập khoảng 800 m trong lãnh thổ Israel và nước này không có ý định có liên quan đến cuộc chiến ở Syria.
Đây là lần đầu tiên sau hơn hai thập kỷ mà máy bay quân sự Syria đi vào không phận Israel. Tuy nhiên, một tướng Israel đã nghỉ hưu nói với New York Times rằng ông nghĩ việc xâm nhập không phải là cố ý mà chỉ cho thấy rõ hơn rằng cuộc xung đột ở Syria rất nguy hiểm và dễ dàng diễn biến mở rộng sang lãnh thổ mới.
5. Mỹ lựa chọn thời điểm sáng suốt
Tổng thống Mỹ Barack Obama được đánh giá là chọn thời điểm tấn công chuẩn xác. Ảnh: Getty Images |
Cuộc tấn công xảy ra chỉ vài giờ trước lịch phát biểu dự kiến của ông Obama trước Đại hội đồng Liên Hợp Quốc. Đây không chỉ là diễn đàn quan trọng thường niên của cộng đồng quốc tế mà còn là nơi cho phép tiếp xúc không giới hạn, mặt đối mặt với tất cả các lãnh đạo trên thế giới. Khi đó, Mỹ là trung tâm của các biện pháp ngoại giao để chống lại IS.
Tại Liên Hợp Quốc, Obama sẽ đưa ra các lý lẽ để chứng minh sự đúng đắn khi chống lại các phần tử giết người cực đoan đang âm mưu khủng bố khu vực Trung Đông và thế giới. Ông cũng sẽ cần thêm sự ủng hộ để thúc đẩy một chính phủ ít bè phái hơn tại Iraq, để các quốc gia Hồi giáo dòng Sunni và Shiite sẽ cùng tham gia vào cuộc đấu tranh đắt giá với IS. Ông sẽ tìm cách tranh thủ các đồng minh mới cho cuộc chiến và đưa những đồng minh cũ, ví dụ như Thổ Nhĩ Kỳ, vào cuộc.
Sau nhiều năm từ chối can thiệp vào Syria, sau khi hơn 200.000 người được cho là đã thiệt mạng, hàng triệu người phải di tản và sau khi cuộc nội chiến ở Syria đã di căn, lan rộng, làm lu mờ Iraq và khiến hàng triệu người tị nạn sang Jordan, Lebanon, Thổ Nhĩ Kỳ, cuối cùng Mỹ cũng quyết định hành động.
Không có nhiều sự lựa chọn khác nhưng hành động lần này quả là khó dự đoán và còn nhiều bất ngờ nữa trong các tháng tới. Thời gian và địa điểm khá đặc biệt, đúng vào thời điểm cuộc họp cấp cao của tổ chức hòa bình hàng đầu thế giới, và cũng có thông tin nói rằng người dân sống tại khu vực mà IS kiểm soát ở Syria đang âm thầm ăn mừng giải pháp mới của Mỹ.
Đăng nhận xét