Trung Quốc bị quốc tế “đấu tố” tại Shangri-La

Lầu Năm Góc nhiều lần phê phán thói hung hăng của Trung Quốc gần đây
Lầu Năm Góc nhiều lần phê phán thói hung hăng của Trung Quốc gần đây
Cuộc đối thoại tại Shangri-La vừa qua là dịp để cả thế giới bày tỏ quan điểm trước những hành động hung hăng của Trung Quốc trong thời gian qua trên biển Đông cũng như biển Hoa Đông, nhất là khi Trung Quốc ngang ngược hạ đặt giàn khoan Hải Dương 981 xâm phạm trắng trợn vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam, hung hăng đâm húc tàu Việt Nam, đâm chìm tàu cá của ngư dân Việt Nam đang đánh bắt ngay trên ngư trường truyền thống của người Việt...
Nhật – Mỹ - Úc làm mát lòng dư luận
Nhật là một trong những nước có tranh chấp lãnh hải với Trung Quốc đã thể hiện vai trò rất tích cực tại Shangri-La. Là chính khách quan trọng đầu tiên phát biểu tại cuộc đối thoại, thủ tướng Nhật Shinzo Abe không ngần ngại bắn phát đầu tiên chỉ trích những kẻ gây sự trên biển Đông thời gian qua.
Ông Abe đã cam kết ủng hộ các nước ASEAN trong các vụ tranh chấp lãnh thổ với Trung Quốc, đồng thời khẳng định việc sử dụng vũ lực và hăm dọa hòng thay đổi hiện trạng là hành động không thể biện hộ.
 Bộ trưởng Quốc phòng Nhật - Mỹ - Úc trao đổi bên lề hội nghị
Thủ tướng Abe nêu rõ: "Nhật Bản sẽ ủng hộ hết mình những nỗ lực của các nước ASEAN khi họ hành động để đảm bảo an ninh trên biển và trên không, cũng như duy trì triệt để sự tự do hàng hải và tự do hàng không”. 
Bên cạnh đó, ông Abe cũng gây sốc khi thách Trung Quốc đem vụ tranh cãi về chủ quyền đảo Senkaku lên tòa án quốc tế. “Senkaku là lãnh thổ cố hữu của Nhật Bản. Nếu Trung Quốc nghĩ khác thì họ nên nộp đơn lên tòa án quốc tế”.
Sau cái “vuốt má” của ông Abe là cú "tát" trực tiếp của Mỹ vào Trung Quốc. Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Chuck Hagel sử dụng ngôn từ mạnh mẽ và trực diện nhắm Trung Quốc chứ không bóng gió như cách mắng xéo Trung Quốc của người Nhật. 
Ông Hagel cảnh báo Washington sẽ không làm ngơ nếu trật tự quốc tế bị đe dọa. “Trong những tháng gần đây, Trung Quốc đã có những hành động đơn phương gây bất ổn nhằm củng cố tuyên bố chủ quyền của nước này trên biển Đông. Mỹ sẽ không thờ ơ khi những nguyên tắc cơ bản để đảm bảo trật tự quốc tế đang bị thử thách”.
Ngoài ra, ông Hagel cũng cho biết Mỹ sẽ tăng ngân sách hoạt động quốc phòng ngoài lãnh thổ Mỹ lên 35% trong năm 2016 để răn đe Trung Quốc rằng Washington sẽ không bỏ ngỏ khu vực châu Á – Thái Bình Dương.
Nước Úc – một quốc gia có vai trò quan trọng ở khu vực Thái Bình Dương cũng chĩa mũi dùi về phía Bắc Kinh. Bộ trưởng Quốc phòng Úc David Johnston cho biết: “Chúng tôi chia sẻ quan ngại sâu sắc của ASEAN về những tình hình gần đây, đang làm gia tăng căng thẳng trong khu vực. Sử dụng vũ lực hoặc đe dọa để đơn phương thay đổi cục diện ở biển Hoa Đông và biển Đông là không thể chấp nhận được được”. Không cần nói thêm thì người ta cũng hiểu Úc khó chịu ra mặt trước những hành động phi pháp của Trung Quốc.
Lối thoát cho hòa bình
Hành xử của Trung Quốc khiến các nước láng giềng vô cùng khó chịu. Bộ trưởng Quốc phòng Việt Nam đã thẳng thắn phản đối hành vi của Trung Quốc tại hội nghị Shangri-La khi phát biểu: “Trung Quốc đã đơn phương hạ đặt giàn khoan nước sâu Hải Dương-981 (Haiyang Shiyou-981) trong vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của Việt Nam, gây bức xúc cho nhân dân Việt Nam, gây lo ngại cho các quốc gia trong khu vực và cộng đồng quốc tế”.
Đồng thời, Tướng Phùng Quang Thanh cũng đưa ra giải pháp để Trung Quốc có lối thoát: “Chúng tôi đề nghị Trung Quốc rút giàn khoan ra khỏi vùng đặc quyền kinh tế, thềm lục địa của Việt Nam và cùng Việt Nam đàm phán để giữ được hòa bình ổn định và quan hệ hữu nghị hai nước. Điều đó có lợi cho hai nước, cho cả khu vực và thế giới”.
Tướng Phùng Quang Thanh: “Chúng tôi đề nghị Trung Quốc rút giàn khoan ra khỏi vùng đặc quyền kinh tế, thềm lục địa của Việt Nam và cùng Việt Nam đàm phán để giữ được hòa bình ổn định và quan hệ hữu nghị hai nước. Điều đó có lợi cho hai nước, cho cả khu vực và thế giới”.
Trung Quốc nên hành động theo đề nghị của Việt Nam để giữa hòa bình của khu vực và để tránh biến mình thành mục tiêu bị cả thế giới công kích. 
Ngay cả Malaysia, dù dè dặt với Trung Quốc vì nhiều nguyên nhân tế nhị, cũng chẳng thể nói tốt cho Trung Quốc. Tại Shangri-La, Bộ trưởng Quốc phòng Malaysia, Hishammuddin Hussein, phát biểu: “ASEAN nên đoàn kết trong một số vấn đề quốc phòng then chốt, và không bị kéo vào hướng khác”.

Đăng nhận xét

Breaking