Mặc dù bị chủ tọa nhiều lần nhắc nhở nhưng bầu Kiên vẫn nói lời sau cùng
với thời gian kỷ lục hơn 40 phút, trong đó nhiều nội dung không liên
quan đến vụ án.
Ngày thứ 11 xét xử vụ án Nguyễn Đức Kiên
và đồng phạm, HĐXX đã dành gần trọn buổi sáng để nghe các bị cáo nói
lời sau cùng. Sau đó chủ tọa công bố HĐXX sẽ nghị án (kéo dài) và tuyên
án vào 8 giờ sáng 9-6.
Cảm ơn và lưu ý
Khi bầu Kiên nói lời sau cùng (kéo dài
hơn 40 phút), HĐXX đã nhiều lần ngắt lời, giải thích và yêu cầu bị cáo
chỉ tập trung vào nội dung vụ án. Bầu Kiên khẳng định: “Tôi rất hiểu tôi
được nói những gì trong lời nói sau cùng” và cam đoan chỉ nói những
điều chưa được nói. Bầu Kiên tha thiết xin HĐXX kiên nhẫn, dành thời
gian cho bị cáo và “đừng ngắt lời tôi nếu không thực sự cần thiết vì sẽ
mất đi mạch tư duy của tôi”.
Trước khi nói về những vấn đề liên quan
trực tiếp đến vụ án, bầu Kiên cảm ơn những người bạn, những người thân,
những cổ động viên đã giúp đỡ, động viên gia đình bị cáo trong 21 tháng
qua và rất cần sự giúp đỡ của bạn bè, của người thân trong lúc này.
Bầu Kiên đang nói lời sau cùng trước khi tòa nghị án vào sáng 2-6. Ảnh: ĐỨC MINH
Bầu Kiên cũng xin lỗi các cổ động viên
CLB Bóng đá Hà Nội vì những lý do bất khả kháng, đội bóng đã không được
tiếp tục thi đấu; đề nghị các đồng nghiệp tại Công ty Cổ phần Bóng đá
chuyên nghiệp Việt Nam (VPF) sẽ đi tiếp, sẽ làm tốt những gì đã dự định
trước đây để trước khi nhắm mắt xuôi tay một lần được nhìn đội tuyển
Việt Nam thi đấu tại World Cup...
Bầu Kiên cũng gửi lời tri ân đến tất cả
khách hàng của ACB, xin lỗi VietinBank vì đã phải bán cổ phần của ngân
hàng này để trang trải các khoản nợ, cảm ơn các nhà báo, phóng viên đã
đưa tin, phản ánh các nội dung tại tòa… Khi nhắc tới mẹ, vợ và các em,
đặc biệt là khi nhắc về những lời dặn dò các con trai…, bầu Kiên trở nên
nghẹn giọng.
Trong lời nói sau cùng, bầu Kiên cũng
kiến nghị lãnh đạo Đảng, Nhà nước lưu ý ba việc khi tiến hành sắp xếp,
chấn chỉnh hệ thống ngân hàng thương mại cổ phần Việt Nam…
“Tôi không trốn chạy, xin đừng chạy án”
Về bốn tội danh bị VKS truy tố, bầu Kiên
một lần nữa khẳng định mình không phạm cả bốn tội này. Bầu Kiên cũng đề
nghị HĐXX cho phép được tại ngoại để chữa bệnh trong thời gian chờ thi
hành án (THA). Nếu yêu cầu này không được đáp ứng, bị cáo xin được
chuyển sang Trại tạm giam B14 vì lo sợ tình trạng sức khỏe khi ở trại
tạm giam cũ.
“Những lời nói tâm huyết của tôi ở đây,
tôi không muốn nổi tiếng, tôi chỉ muốn là người dân thường đóng góp sức
nhỏ bé của mình vào việc xây dựng đất nước (…) Tôi không bỏ chạy, tôi
không trốn chạy trách nhiệm. Tôi tin vào chế độ này, đất nước này có kỷ
cương phép nước. Mặc dù thời gian đó tôi hoàn toàn có thể bỏ đi, hộ
chiếu của tôi có visa rất dài hạn ở khắp các nước trên thế giới, tôi có
quan hệ rộng rãi ở khắp nơi nhưng tôi không đi, tôi đứng lại, tôi chờ
cái gì sẽ đến với mình, tôi chờ chịu trách nhiệm về những việc mình đã
làm…
Cho tôi được nói với vợ tôi… Thứ nhất,
không bao giờ được chạy án, không gặp gỡ bất kỳ ai đang giữ các trọng
trách ngày hôm nay để xin xỏ gì về tôi vì điều đó sẽ ảnh hưởng đến các
vị lãnh đạo. Thứ hai, tôi nói với vợ tôi rằng tôi sẽ tự giải quyết các
vấn đề liên quan đến vụ án của tôi. Tôi tin rằng mình vô tội, tôi tin
rằng mình có khả năng, có đủ tư duy, có đủ đầu óc để có thể chứng minh
với HĐXX rằng tôi vô tội” - bầu Kiên nói.
Kêu oan cho ông Trần Xuân Giá
Nói lời sau cùng, tất cả bị cáo còn lại
đều khẳng định mình vô tội và trông chờ vào một phán quyết công minh,
khách quan, đúng pháp luật của HĐXX.
Bị cáo Trần Ngọc Thanh nói điều đau khổ
nhất của bị cáo là đúng lúc cầm quyết định nghỉ hưu cũng là lúc nhận
quyết định truy tố và bắt giam. Bị cáo cho rằng trong quá trình tố tụng,
cơ quan điều tra và VKS chỉ coi trọng chứng cứ, luận cứ để buộc tội đối
với bị cáo. “Trong buổi làm việc hôm đối chất, cán bộ VKS nói với tôi
rằng: “Anh cứ yên tâm, VKS chúng tôi trước hết là phải gỡ tội cho can
phạm, sau đó mới là buộc tội”. Tôi cứ hy vọng mãi nhưng thực chất cho
đến bây giờ không phải hoàn toàn như thế...” - bị cáo Thanh nói.
Nói lời sau cùng, bị cáo Lý Xuân Hải
(tổng giám đốc ACB) đã xin một phút để nói về cựu bộ trưởng Bộ KH&ĐT
Trần Xuân Giá vì không biết phiên tòa xử ông Giá bị cáo có được dự hay
không. “Ông Giá khi về ACB đã từ chối một nơi lương cao gấp ba lần ACB
mà chỉ việc ngồi chơi xơi nước vì cái danh của ông thôi. Ông đã nói với
tôi ông là một trong những người làm ra Luật Doanh nghiệp (DN), thúc đẩy
DN phát triển, cuối đời ông đã đi trọn với Luật DN… Ông không có tham
vọng chính trị gì ở ACB. Tiền bạc ông không có nhu cầu vì ông đã già nên
đúng thì làm, sai thì thôi… Một con người có tâm như vậy không bao giờ
lại chỉ đạo cho người dưới quyền mình làm trái. Có một lãnh đạo như vậy,
tôi không bao giờ nghĩ mình làm trái…” - ông Hải nói.
Đăng nhận xét