Bộ Ngoại giao Việt Nam hôm nay sẽ đưa ra quan điểm bác
bỏ những lập luận vô căn cứ của Trung Quốc về chủ quyền các quần đảo
trên Biển Đông, cung cấp thông tin về tình hình thực địa tại khu vực
Trung Quốc đặt trái phép giàn khoan 981.
Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam Lê Hải Bình. Ảnh: Quý Đoàn |
Vu cáo
Trước đó, ngày 9/6, trong thư gửi đến Tổng thư ký Liên Hợp Quốc Ban Ki-moon, Trung Quốc nêu một loạt cáo buộc vu khống Việt Nam ngăn cản hoạt động của giàn khoan 981. Trung Quốc vu cho Việt Nam cử một lượng lớn các tàu, gồm tàu quân sự, người nhái, thả chướng ngại vật để ngăn cản hoạt động của giàn khoan và cản trở hoạt động của các tàu thuyền hộ tống của Trung Quốc.
Cũng trong tài liệu trên, Trung Quốc cho rằng Việt Nam vi phạm chủ quyền của Trung Quốc tại khu vực giàn khoan, đe dọa an toàn với các lực lượng Trung Quốc đang thực thi nhiệm vụ. Văn bản còn thể hiện luận điểm xuyên tạc sự thật khi cho rằng Tổng công ty Dầu khí Hải dương Trung Quốc (CNOOC) đã thực hiện thăm dò ở vùng này trong 10 năm qua và hoạt động của giàn khoan "là sự tiếp nối quá trình thăm dò thông lệ".
Ngoài công thư gửi Liên Hợp Quốc, các quan chức Trung Quốc cũng nhiều lần vu cáo Việt Nam đâm va tàu cá và tàu chấp pháp của họ tại Hoàng Sa. Mới đây nhất, Phó vụ trưởng các vấn đề Biên giới và Hải dương thuộc Bộ Ngoại giao Trung Quốc Dịch Tiên Lương nói rằng các tàu Việt Nam đâm vào tàu Trung Quốc hơn 1.500 lần kể từ đầu tháng 5.
Hình ảnh ghi lại tại khu vực Trung Quốc hạ đặt giàn khoan trái phép cho thấy các tàu nước này hung hãn vây ép, chặn đầu, khóa đuôi, đâm va tàu Cảnh sát biển Việt Nam. Ảnh: Canhsatbien |
Trước hành vi của Trung Quốc, Việt Nam đã ba lần gửi công hàm tới Tổng thư ký Ban Ki-moon và đại diện các nước và tổ chức quốc tế, thông báo rõ tình hình. Đến nay Việt Nam đã có trên 30 cuộc giao thiệp ở các cấp và các kênh khác nhau, yêu cầu Trung Quốc rút ngay giàn khoan và các tàu hộ tống nhằm tạo một môi trường thuận lợi cho đối thoại. Trung Quốc không những không đáp ứng tích cực yêu cầu của Việt Nam cũng như kêu gọi của cộng đồng quốc tế, mà còn tiếp tục những hành vi sai trái.
Hôm 11/6, Liên Hợp Quốc cho biết sẵn sàng làm trung gian hòa giải Việt Nam và Trung Quốc, sau khi cả hai nước gửi công hàm liên quan đến căng thẳng trên Biển Đông lên Tổng thư ký Ban Ki-moon.
Đăng nhận xét